Nhà lý luận quân sự và cải cách quân đội Mikhail Nikolayevich Tukhachevsky

Cá tính và khả năng gây ảnh hưởng

Andrey Bubnov, Maksim Gorky và Mikhail Tukhachevsky tại triển lãm nghệ thuật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Liên bang Nga năm 1933

Tukhachevky là một người lịch lãm. Ông thích nhạc Beethoven, sành rượu vang, chơi đàn và biết làm đàn violin. Trong số các văn nghệ sĩ, ông giao du thân mật với nhạc sĩ Dmitri Shostakovich và nhà văn Boris L. Pasternak, người được đề nghị trao giải thưởng Nobel Văn học 1958. Tuy nhiên, con người nghệ sĩ của ông thường được coi là mâu thuẫn với con người nghề nghiệp, khi ông sử dụng hơi độc để trấn áp cuộc nổi dậy Tambov, hay khi ông tấn công lý luận của A. Svechin khi ông này đang ở trong trại cưỡng bức lao động[Gc 4].

Tác giả Shimon Naveh viết rằng một số đồng nghiệp mô tả ông là "một trí thức có sức lôi cuốn, có khiếu thẩm mỹ và nhạy cảm, một người có một đầu óc thông tuệ và sáng tạo, đam mê văn minh phương Tây"[17], trong khi vài người khác nói về ông như là "một hoàng tử bóng tối chịu ảnh hưởng của Bonaparte, chống Chúa, bài Do Thái, cảm tình Quốc xã, lạnh lùng, một người Cộng sản thực dụng, một chiến binh Mông Cổ lãng mạn hiện thân của Thành Cát Tư Hãn"[17]. Cách nhìn này cũng được tác giả Richard Simpkin khẳng định "có người coi ông là một người thông minh theo chủ nghĩa lý tưởng, đạo đức tới mức nguyên tắc, nhưng cũng có người coi ông là một kẻ cơ hội, nhiều tham vọng, biết cách khôn khéo khai thác ý tưởng, con người lẫn sự kiện"[18].

Nhưng dù ông có được nhìn nhận mâu thuẫn thế nào đi nữa, thì có một điều được thừa nhận: cả trên khía cạnh con người lẫn tư tưởng, sức hút của ông đã khơi dậy tinh thần sáng tạo của cả một thế hệ sĩ quan - tướng lĩnh Hồng quân cùng thời[19].

Các tác phẩm lý luận quân sự

Năm 1921, Tukhachevky được giao nhiệm vụ Giám đốc Học viện Quân sự Bộ Tổng tham mưu[Gc 5], ông đã tập hợp một số tài năng quân sự vào Học viện để gây dựng bộ môn khoa học quân sự Xô Viết. Từ thời gian này trở đi, đặc biệt là lúc kế nhiệm Frunze ở chức vụ Tổng tham mưu trưởng trong giai đoạn 1925-1928[Gc 6], ông đã có trên 120 bài viết, tham luận và bài giảng. Trong số đó, có 12 tác phẩm thường được khảo cứu, bao gồm Chiến lược quốc gia và giai cấp (1920),Trận đánh sông Bugs (1924), Các vấn đề về chỉ huy cấp cao (1924), Các vấn đề về chiến lược đương thời (1925), Chiến thuật và chiến lược (1926), Chiến tranh với hình thức đấu tranh vũ trang (1928), Tác chiến và chiến dịch (1929), Giới thiệu ý tưởng cải cách tác chiến của J.F.C. Fuller (1931), Sự phát triển của vũ khí và hình thức tác chiến (1931), Những vấn đề mới của chiến tranh (1931-32), Sự phát triển các hình thức kiểm soát và chỉ huy mới (1934) và Điều lệ tác chiến mới của Hồng quân (1936)[20].

Tư tưởng nhất quán, xuyên suốt trong các tác phẩm của ông là lập luận về quan hệ biện chứng giữa các cặp phạm trù: trình độ kinh tế - bản chất của chiến tranh, bản chất chiến tranh - hình thức chiến tranh, hình thức chiến tranh - trình độ kỹ thuật của vũ khí, trình độ kỹ thuật của vũ khí - chiến thuật tác chiến. Những phạm trù này bao phủ cả ba cấp độ của khoa học quân sự, từ chiến lược, nghệ thuật chiến dịch cho đến chiến thuật, đồng thời mối quan hệ biện chứng giữa chúng cho phép tiên đoán một cách thuyết phục bức tranh cụ thể của chiến trường tương lai. Dựa trên bức tranh đó, ông phát triển các ý tưởng về vai trò của công nghệ, cách tiến hành các chiến dịch bằng lực lượng hợp thành, vai trò của kiểm soát và chỉ huy và thậm chí đến kỹ năng và tinh thần của mỗi người lính[21].

Khai sinh "Tác chiến chiều sâu"

Với tư cách là một bức tranh chiến thuật cụ thể trong đó "sử dụng mọi hỏa lực công kích đồng thời suốt chiều sâu mặt trận để cô lập, chia cắt và làm tê liệt đối phương trước khi đột phá, thực hành vận động sâu để bao vây tiêu diệt"[22], thì học thuyết "Tác chiến chiều sâu" xuất hiện với hình hài đầy đủ vào năm 1929 dưới ngòi bút của V. Triandafillov. Tuy nhiên, với tư cách là một hạt giống tư tưởng, thì ý tưởng "công kích từ tung thâm" thay cho "bóc vỏ từng lớp" xuất hiện lần đầu trong tác phẩm "Những vấn đề về chỉ huy cấp cao" của ông vào năm 1924. Vì thế, Tukhachevsky thường được một số tác giả gán theo cách đơn giản là tác giả chính của học thuyết[23], mặc dù thực tế xảy ra hơi khác.

Trong số lượng lớn các tác phẩm của mình, "Tác chiến chiều sâu" chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh lớn hơn nhiều - Hình thức chiến tranh mới - như là một hệ quả tất yếu của sự phát triển của quy mô kinh tế và trình độ khoa học kỹ thuật. Chính luận điểm này của ông là khởi nguồn của "nghệ thuật chiến dịch" cũng như các chiến thuật mới[24]. Với sức gây ảnh hưởng của ông[20], thì đây chính là hạt giống gieo thành một học thuyết hoàn chỉnh qua cảm hứng sáng tạo của cả một thế hệ các sĩ quan Hồng quân tài năng đương thời[25].

Công cuộc hiện đại hoá Hồng quân

5 nguyên soái đầu tiên của Liên Xô. M. N. Tukhachevsky ngồi hàng đầu, bên trái

Trong thời gian đầu sau Nội chiến, quan điểm phổ biến khi đó xem Hồng quân là quân đội của giai cấp công nông và cần duy trì dưới hình thức dân quân. Cho nên trong khoảng thời gian từ 1925 đến 1928, ở vị trí Tổng tham mưu trưởng, một mặt Tukhachevsky phải đấu tranh cho chủ trương chính quy hóa Hồng quân,[Gc 7] một mặt phải nỗ lực vượt bậc để thực hiện công cuộc đó.

Từ góc độ một nhà lý luận, Tukhachevsky nhìn nhận rằng cùng với sự tiến bộ của kỹ thuật và vũ khí, cuộc chiến tranh tương lai sẽ có bản chất và hình thức khác trước. Với xu thế tất yếu lúc bấy giờ, ông cho rằng Hồng quân không thể chỉ dừng lại ở chính quy hóa, mà còn phải được cơ giới hóa.

Ở thời kỳ trước năm 1930, quan điểm này của ông bị các tướng kỵ binh cũ như VoroshilovBudyonny phản đối,[24] phần nào là nguyên nhân khiến đề xuất tái vũ trang Hồng quân ở quy mô lớn của ông bị bác bỏ vào năm 1928, bản thân ông bị huyền chức Tổng tham mưu trưởng sau đó.[24] Nhưng ông không bị thụ động hoá: Ở vị trí Tư lệnh Quân khu Leningrad, ông tiếp tục tổ chức các đơn vị nhảy dù, dành thời gian cho các buổi tập trận cơ giới ở trường Karzan để hoàn chỉnh chiến thuật tác chiến cho 2 binh chủng này.

Năm 1931, khi mối đe dọa đối với Liên Xô trở nên rõ ràng hơn, Stalin chấp thuận đề xuất của ông và bổ nhiệm ông vào vị trí Phó Dân ủy Quốc phòng kiêm Cục trưởng Cục Vũ khí và Trang bị. Ở vị trí này, theo lời tác giả Shimon Naveh thì "trí tưởng tượng của ông có thể được cảm thấy trong mọi ý tưởng kỹ thuật, từ phát triển cho đến sản xuất và sử dụng".[27] Trong khoảng thời gian 1934-1935, các đơn vị cơ giới hóa của Hồng quân được trang bị các loại vũ khí và xe chiến đấu hiện đại nhất, cả về số lượng lẫn chất lượng,[27] Không quân có các loại máy bay tiêm kích và ném bom tốt nhất, còn bộ binh hợp thành có pháo tự hành đầu tiên trên thế giới.[28]

Những thành quả đó khiến cho ảnh hưởng của ông ngày càng lớn trong Hồng quân, còn đối với các nước Phương Tây, ông trở thành một tâm điểm chú ý đặc biệt.[28] Uy tín đó được thừa nhận khi ông trở thành người trẻ nhất (42 tuổi) trong số 5 vị tướng đầu tiên của Hồng quân được phong hàm Nguyên soái Liên bang Xô viết vào ngày 20 tháng 11 năm 1935.

Tuy nhiên, những điều đó không giúp ông trở thành người tin cậy đối với Stalin.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mikhail Nikolayevich Tukhachevsky http://www.findarticles.com/p/articles/mi_m3955/is... http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://www.carlisle.army.mil/USAWC/Parameters/Arti... http://data.bibliotheken.nl/id/thes/p126990700 http://www.ausa.org/publications/ilw/Documents/mcp... http://www.hetmanusa.org/engarticle1.html http://www.pwhce.org/rus/tukhachevsky.html http://august-1914.ru/arzakanyan.html http://militera.lib.ru/bio/sokolov/index.html http://militera.lib.ru/memo/russian/gorbatov/index...